Đánh giá camera hành trình Vietmap X9 và Papago P9
1. Vietmap X9 - giá 2,69 triệu đồngVietmap X9 sản phẩm camera hành trình giá rẻ phổ thông với đầy đủ các chức năng mà mình nghĩ là cần thiết. Nó sở hữu cảm biến CMOS độ phân giải tối đa là 5 megapixel, có khả năng quay góc rộng 160 độ và lựa chọn được 4 độ phân giải khác nhau cho chế độ ghi hình hành trình: 1920 x 1080/1280 x 720/ 848 x 480/ 640 x 480. Ngoài ra Vietmap X9 cũng được trang bị một cảm biến trọng lực (G Sensor) để nhận biết va chạm và bảo lưu những đoạn video quan trọng.
Vietmap X9 cũng có tính năng định vị vệ tinh để ghi lại các thông số về tốc độ, vị trí của xe lên video. Điều này sẽ hữu ích khi chúng ta cần tra cứu lại những thông tin quan trọng trong chuyến đi. Chỉ có điều mình không thích giải pháp của Vietmap khi họ không tích hợp hẳn bộ phận GPS vào trong một thiết bị duy nhất giống như hầu hết các camera hành trình trên thị trường mà lại chia làm hai và khiến mọi thứ trở nên rườm rà không cần thiết.
Một tính năng khá thú vị của bộ Vietmap X9 đó là nó có thể trở thành một chiếc camera thể thao kiểu như GoPro khi cần. Đó là nhờ nó được tích hợp một cục pin dung lượng 350 mAh bên trong. Vì vậy khi không sài nguồn trên xe hơi, anh em vẫn sử dụng nó như một máy quay hay máy chụp hình di động trong khoảng 20-30 phút. Tất nhiên tính năng này chỉ để vui vẻ thôi, chúng ta không nên quá quan trọng vào thời lượng pin của một thiết bị như Vietmap X9.
Vietmap X9 khá nhỏ gọn với kích thước 84 x 59,7 x 28,4 mm. Thiết kế của nó vẫn là hình chữ nhật dẹt, không có gì nổi bật so với những camera hành trình tích hợp màn hình xem lại phía sau. Chất lượng hoàn thiện sản phẩm nhìn chung chỉ ở mức trung bình, không được tốt như PAPAGO P3.
Vietmap X9 được trang bị một màn hình 2,7" phía sau đi kèm 4 nút thao tác. Chất lượng màn hình chỉ gọi là vừa đủ sài trong khoảng thời gian ngắn, chứ nhìn lâu khá khó chịu. Màn hình 2,4" trên PAPAGO cũng chung số phận.
Mặt trên có cổng mini USB để lấy nguồn cấp cho thiết bị/sạc pin/lấy dự liệu từ thẻ nhớ và một cổng GPS-In để kết nối với cục GPS gắn rời.
Mặt dưới có khe cắm thẻ nhớ hỗ trợ thẻ Micro SD lên đến 64 GB, tốc độ từ class 6 trở lên và một cổng Mini HDMI để xuất dữ liệu hình ảnh chất lượng HD ra các TV thế hệ mới hiện nay.
- Cạnh bên là cổng AV Out để xuất hình ảnh ra TV chất lượng SD (640x480) thấp hơn.
- Mặc dù có giá rẻ hơn nhưng bộ Vietmap X9 bán ra lại đi kèm đầy đủ các cáp kết nối với thiết bị.
- Cáp lấy nguồn từ cổng mồi thuốc trên xe ra cổng mini USB
- Cáp AV Out
- Cáp Mini HDMI
Phần đế hít để gắn Vietmap X9 lên kính trước của xe
camera hanh trinh-2844.jpg
Khi gắn cả bộ lên xe thì sẽ ra thế này
2. PAPAGO P3 - Giá 5,39 triệu đồng
PAPAGO P3 là sản phẩm camera hành trình cao cấp hơn Vietmap X9, đến từ một hãng điện tử Đài Loan. Về cơ bản thì nó có đầy đủ những tính năng của Vietmap X9 nhưng được bổ sung thêm những phần hỗ trợ lái xe như cảnh báo làn đường, cảnh báo va chạm, và một số những tính năng đáng giá khác mình sẽ giới thiệu ở phần tiếp theo.
PAPAGO P3 được trang bị cảm biến kích thước 1/3" CMOS với độ phân giải tối đa 3,5 mega pixel và khả năng ghi video chuẩn HD 1920 x 1080. Tuy nhiên, PAPAGO P3 chỉ quay góc rộng 130 độ, trong khi Vietmap X9 là 160 độ. Về cơ bản thì khung hình của PAPAGO P3 sẽ hẹp hơn Vietmap X9, nhưng cũng không quá nghiêm trọng vì mức góc rộng 130 độ được sử dụng khá rộng rãi trên những camera hành trình trên thị trường.
Kiểu dáng của PAPAGO P3 khá độc đáo. Nó có thiết kế hình hộp thuôn dài và to dần từ phần camera về phía sau phần màn hình. Tuy nhiên với kích thước 95 x 63 x 65 mm thì nó lại khá to, cồng kềnh và chiếm diện tích đáng kể trong khoang xe. Bù lại chất lượng hoàn thiện sản phẩm của PAPAGO là rất tốt, các chi tiết đều cho cảm giác chắc chắn và cao cấp.
PAPAGO P3 hỗ trợ thẻ nhớ SD lên đến 64 GB, chuẩn tốc độ class 6 trở lên. Thiết kế của PAPAGO P3 buộc chúng ta phải cắm thẻ nhớ vào gạt nút ON sang bên phải thì mới bật nguồn thiết bị lên được.
PAPAGO P3 cũng trang bị 1 cổng Mini USB để lấy nguồn/trích xuất dữ liệu và 1 cổng Mini HDMI để xuất hình ảnh video ra TV theo chuẩn HD chất lượng cao.
PAPAGO P3 được trang bị màn hình xem lại kích thước 2,4", kèm theo đó là 4 nút thao tác cơ bản bên dưới.
Mặt đáy thiết bị là vị trí mic thu âm.
Mặc dù có giá bán mắc hơn gấp đôi nhưng những phụ kiện đi kèm PAPAGO P3 rất khiêm tốn. Chỉ có dây nguồn từ cổng mồi thuốc ra cổng Mini USB, một đế keo gắn thiết bị lên kính trước và một miếng keo 3M dự phòng tặng thêm.
Tính năng
1. WDR (Wide Dynamic Range) - Dải năng động sáng mở rộng
Đây là tính năng mà mình nghĩ camera hành trình nào cũng cần có. Vậy WDR là gì?
Nói cho các bạn dễ hiểu thì WDR sẽ cân bằng vùng tối và vùng sáng để giữ lại nhiều chi tiết, thông tin trong bức hình hay đoạn phim nhất. Nếu ai chơi nhiếp ảnh thì sẽ không lạ gì HDR (High Dynamic Range) - Dãi tương phản mở rộng, cũng là một cách nói khác của WDR.
Ví dụ như ở một khung cảnh nhiều sự tương phản như ở buổi trưa chẳng hạn. Bầu trời thì nắng gắt sáng quá, còn chiếc xe trước mặt thì lại quá tối. Khi đó WDR sẽ kéo phần vùng trời tối lại để có thể thấy được chi tiết đám mây chẳng hạn, còn chiếc xe thì tăng sáng lên để chúng ta có thể thấy biển số.
Phía trên là một sự so sánh nho nhỏ khi ghi hình vào ban đêm trên chiếc camera hành trình Vietmap X9. Khi bật WDR thì các chi tiết tối như đường hay các bảng chỉ dẫn màu xanh đậm khoanh tròn sẽ sáng hơn và dễ nhìn được các chi tiết hơn là khi tắt tính năng WDR.
Nói chung là nếu chiếc camera hành trình có chế độ WDR thì anh em cứ bật nó lên và sử dụng suốt. Và tin vui là cả Vietmap X9 và PAPAGO P3 đều có tính năng này.
2. Cảm biến trọng lực G-Sensor
PAPAGO P3 và Vietmap X9 đều tích hợp cảm biến trọng lực G-Sensor nhằm phát hiện khi có va chạm xảy ra thì video trước và sau va chạm sẽ được bảo vệ. Điều này sẽ tiện cho chúng ta truy xuất về sau. Tính năng này cũng rất cần thiết trên camera hành trình.
Ngoài ra trên chiếc Vietmap X9 còn có thêm chế độ nhận diện chuyển động. Chế độ này sử dụng 1 thuật toán để nhận biết chuyển động của xe và chỉ ghi hình khi xe lăn bánh. Nếu xe tạm dừng đèn đỏ thì thiết bị sẽ tự động ngắt ghi hình.
Tuy nhiên mình nghĩ là nên bỏ qua chế độ nhận diện chuyển động này. Cho dù là nó giúp giải phóng bộ nhớ khỏi những cảnh xe đang dừng, nhưng ở Việt Nam thì dừng xe cũng chưa chắc yên ổn nên cứ để ghi hình luôn cho chắc.
3. Các tính năng hỗ trợ lái xe mở rộng trên PAPAGO P3
Điểm đáng chú ý trên chiếc camera hành trình PAPAGO P3 là nó được trang bị thêm những tính năng hỗ trợ lái xe như cảnh báo làn đường (LDWS - Lane Departure Warning System), cảnh báo va chạm phía trước (FCWS - Front Collision Warning System).
Với tính năng cảnh báo làn đường, một thuật toán sẽ nhận biết khi nào chiếc xe đang có dấu hiệu chuyển làn. Lúc đó thiết bị sẽ phát lên tiếng báo hiệu đi kèm 1 vạch đỏ trên màn hình hiển thị để lưu ý chúng ta quan sát xung quanh để đảm bảo an toàn khi chuyển làn. Trong thời gian sử dụng thì mình nhận ra là chỉ khi đi với tốc độ trên 60 km/h thì PAPAGO P3 mới báo bằng âm thanh, còn dưới tốc độ đó thì không có mà chỉ có báo vạch đỏ như hình bên dưới.
Tính năng cảnh báo va chạm phía trước cũng sử dụng thuật toán để ước lượng khoảng cách với xe phía trước và cảnh báo cho người lái bằng âm thanh khi khoảng cách này thu hẹp dần và có nguy cơ gây nguy hiểm. Tính năng cảnh báo này có thể sử dụng ở mọi dải tốc độ, không nhất thiết phải 60 km/h trở lên và theo mình nhận thấy thì nó phát hiện xe phía trước khá nhạy.
Để sử dụng được 2 tính năng hỗ trợ lái xe này thì chúng ta cần phải vào menu thiết bị và thực hiện việc canh chỉnh làn đường. Anh em có thể tham khảo phần giữa clip Tính năng nổi bật mình post phía trên mình có chia sẻ về việc này.
Đánh giá nhanh
1. Trải nghiệm sử dụng
Với ưu thế một sản phẩm cao cấp được trau chuốt kỹ lưỡng nên những trải nghiệm với camera hành trình PAPAGO P3 đều rất tốt và thân thiện. Trái ngược lại, Vietmap X9 sẽ khiến người sử dụng khi độ trễ trong các thao tác bằng nút khá nhiều. Chưa kể đến sự rắc rối khi muốn xem lại đoạn clip/hình ảnh hay truy cập vào menu thì buộc phải nhấn nút ngừng quá trình quay trước. Đối với PAPAGO thì chúng ta có thể truy cập vào phần menu hay xem lại bất cứ nào, ngay cả khi thiết bị đang ghi hình.
Vì test 2 thiết bị cùng lúc nên phần dây trong hình mình đi chưa được đẹp. Vấn đề này anh em không phải lo lắm vì khi mua thì cửa hàng họ sẽ đi dây ngầm vào phía trong các tấm ốp thân xe để đảm bảo tính thẩm mỹ.
Cả 2 thiết bị đều tự lên nguồn và bắt đầu ghi hình ngay khi chúng ta đề máy xe. Tuy nhiên, khoảng thời gian khởi động của PAPAGO P3 lại lâu hơn Vietmap X9 đáng kể. Khi tắt nguồn điện trên xe thì Vietmap X9 nhờ được trang bị 1 cục pin bên trong nên vẫn ghi hình thêm khoảng 15 giây trước khi tắt hoàn toàn, còn PAPAGO P3 thì tắt ngay khi bị mất nguồn cung cấp điện.
Đặc biệt, trên đoạn clip quay từ PAPAGO P3 chúng ta có thể thêm phần vị trí xe trên bản đồ nằm ở góc trái khung hình. PAPAGO cũng chu đáo tặng kèm một đĩa CD để chúng ta có thể truy xuất những dữ liệu liên quan đến chuyến đi như một "hộp đen".
2. Chất lượng hình ảnh
Cả 2 thiết bị đều có khả năng quay ở chất lượng Full HD 1920 x 1080 ở 30 khung hình/giây. Ấn tượng ban đầu có thể thấy rõ là trong cùng 1 điều kiện thì video từ PAPAGO P3 có xu hướng dư sáng, còn Vietmap X9 thì cân bằng tốt hơn. Các bạn cứ để ý phần đuôi xe 7 chỗ vào phần nền trời là sẽ thấy được điều này.
Nhiều người lại thích nước màu ngả xanh của Vietmap X9, có người lại thích nước màu ấm của PAPAGO P3. Chuyện so sánh cân bằng trắng của 2 thiết bị cũng giống như việc tranh luận cái váy trắng-vàng hay xanh-đen 1 thời sôi nổi trên mạng vậy. Mỗi người mỗi cảm nhận vì thế mình sẽ không đi sâu vào phân tích nước màu của cái nào thực tế hơn.
Điểm quan trọng nhất khi nói về mặt chất lượng hình ảnh của một chiếc camera hành trình là nó cung cấp được độ chi tiết như thế nào. Ở đây chúng ta có một kết quả khá bất ngờ khi chiếc Vietmap X9 giá rẻ hơn lại cho ra độ chi tiết tốt hơn PAPAGO P3.
Nhìn ở tấm hình bên dưới được ghi trong điều kiện ánh sáng tốt. Chi tiết hàng rào ở Vietmap X9 tách bạch rõ ràng giữa các song chắn, trong khi đó ở PAPAGO thì các song chắn này bị bệt ra.
Trong điều kiện ánh sáng râm, thì Vietmap X9 vẫn giữ chi tiết tán lá cây phía trên tốt còn của PAPAGO thì các tán lá cây đã bị gom thành những mảng màu xanh nhiều cấp độ.
Cùng 1 tiêu cự, cùng 1 điều kiện ánh sáng không tốt trong hầm Thủ Thiêm, nhưng Vietmap X9 cho chúng ta thấy được chi tiết biển số chiếc xe 16 chỗ, còn PAPAGO P3 thì mình đã cố nhưng cũng không đọc được bất cứ con số nào trong biển số xe 16 chỗ.
Thử trong điều kiện ánh sáng yếu, lại một lần nữa Vietmap X9 cho thấy sự vượt trội trong khoảng thể hiện chi tiết khi cho chúng ta thấy được bảng hướng dẫn màu xanh khá rõ và sắc nét. Còn bên phần PAPAGO P3 khó thấy hơn do bị nhiễu ISO làm ảnh hưởng nhiều đến độ chi tiết.
Trong tình huống dưới đây, mình tình cờ phát hiện ra rằng thuật toán của PAPAGO P3 thường đẩy ISO lên cao gây nhiễu, hy sinh phần chi tiết để đổi lấy tốc độ bắt 1 khung hình nhanh hơn. Trong cùng một điều kiện mà những cây cột của Vietmap X9 bị kéo nhòe đi nhiều, còn của PAPAGO được bắt chết (freeze) tốt hơn, vệt nhòe ngắn hơn.
Kết luận
Vietmap X9 tuy chỉ là chiếc camera hành trình phổ thông nhưng những gì nó mang lại hoàn toàn xứng đáng ở một mức giá dễ chấp nhận. Nếu được Vietmap nên ra một phiên bản cao cấp hơn khắc phục những nhược điểm về thiết kế cũng như là cải thiện trải nghiệm của thiết bị để việc sử dụng thân thiện hơn.
Còn PAPAGO P3 là một câu chuyện hoàn toàn khác. Dù mặt chất lượng hình ảnh chỉ 1 tám, 1 mười so với Vietmap X9, nhưng công bằng mà nói thì cũng đáp ứng tốt trong vai trò 1 chiếc camera hành trình. Không quá tệ, cũng không quá xuất sắc. Anh em nên chọn PAPAGO nếu mong muốn 1 thiết bị mọi mặt đều ổn và những tính năng hỗ trợ lái xe hữu ích của nó thật sự hấp dẫn với anh em.
No Comment to " Đánh giá camera hành trình Vietmap X9 và Papago P9 "